Ngành nhựa, in ấn và đóng gói bao bì có nhiều cơ hội khi VEFTA được ký kết

Ngành nhựa, in ấn và đóng gói bao bì có nhiều cơ hội khi VEFTA được ký kết

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì trong nước và xuất khẩu được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khai thác thị trường.

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad (Bộ Công Thương), Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp thị và Thương mại Yorkers phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức hội thảo “Ngành nhựa Việt Nam – Công nghiệp đóng gói: cơ hội lớn từ Cách mạng công nghiệp 4.0”

     Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì Hà Nội 2019 (Hanoi Plas Print Pack 2019).

     Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, ngành công nghiệp nhựa, in ấn và đóng gói bao bì trong nước và xuất khẩu được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khai thác thị trường.

     Trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15 – 20%/năm. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 477.000 tấn nhựa (thị trường Trung Quốc chiếm 50%), tăng 99,87% về lượng so với năm 2016.

     Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (VEFTA) được ký kết và triển khai sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhựa đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là nhu cầu về bao bì nhựa. Theo đó thị trường trong nước cũng gia tăng và tạo động lực phát triển ngành nhựa, bao bì do mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam không ngừng tăng.

     Với ngành nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, từ hơn một thập kỷ qua ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức hai con số về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa. Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa liên tục tăng mạnh những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 14% – 15%/năm.

     Việc Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ nhựa. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ; thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu (EU)… được hưởng nhiều ưu đãi. Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật vẫn ở mức cao, khách hàng ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam.

     Theo Mordor Intelligence Research, thị trường nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, công nghệ ép phun chiếm tỉ lệ cao nhất.

     Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa có thành mỏng như thiết bị gia dụng, điện tử gia dụng, bảng điều khiển ô tô… Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến và đóng gói bao bì Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm hai con số, được đánh giá là khá hấp dẫn với các nhà cung cấp máy móc thiết bị hoạt động trong ngành.

     Nguyên nhân được các chuyên gia nhận định là do sản xuất hàng hóa trong nước phục vụ cho thị trường tại chỗ và xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh trong thời gian tới, dẫn đến nhu cầu bao bì sẽ rất lớn.

     Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và dược phẩm ngày càng tăng cao, dẫn đến việc gia tăng các sản phẩm bao bì. Với những lợi thế trên, Việt Nam đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa, bao bì và in ấn.

     Tuy nhiên, để phát triển ngành nhựa cũng như ngành bào bì của Việt Nam các doanh nghiêp còn đối diện không ít khó khăn, đó là áp lực về tài chính đang đè nặng doanh nghiệp nội. Các doanh nghiệp nước ngoài vay vốn ở nước họ chỉ từ 2 – 4%, thậm chí được hỗ trợ 0%; trong khi doanh nghiệp trong nước phải vay trung hạn với lãi suất 10-12%

     Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI có kinh nghiệm về quản trị, tài chính mạnh lại được sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, thậm chí chấp nhận lỗ từ 3 – 5 năm để chiếm lĩnh thị trường, trong khi doanh nghiệp nội địa chỉ cần lỗ 1, 2 năm là phải đóng cửa.

     Chưa kể, lợi thế của các doanh nghiệp FDI là nguồn khách hàng từ các nước của họ khi vào Việt Nam cũng sẽ tìm công ty cung ứng cùng quốc gia để hợp tác nên doanh nghiệp nội địa rất khó tiếp cận các khách hàng này. Rõ ràng trong sân chơi này, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều lợi thế cạnh tranh và tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

     Vì vậy, để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, phát triển sản phẩm đẩy mạnh xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng tốt tiềm năng trên thị trường nội địa; đồng thời, tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng.

     Thị trường châu Âu thường chiếm 60-70% kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa; bởi vậy, khai thác thị trường này trong triển vọng ký và triển khai EVFTA là có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp nhựa, bao bì Việt.

     Hơn nữa, các cơ quan hữu quan cần có trách nhiệm giảm thiểu rủi ro chính sách cho doanh nghiêp trên cơ sở nâng cao chất lượng văn bản chính sách ban hành và cầu thị, lắng nghe các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiêp./.

Categories: Tin tức
X