Chế tạo màng bọc thực phẩm từ chè xanh
Từ những nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm và chi phí thấp như chè xanh và nước vo gạo, nhóm giáo viên, học sinh trường THPT Kim Anh (huyện Sóc Sơn) đã nghiên cứu thành công màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng tự phân hủy.
Ý tưởng về màng bọc thực phẩm sinh học le lói trong cô Phạm Thị Lan Hương (giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên, trường THPT Kim Anh) gần 1 năm trước. Đó là khi các loại màng bọc thực phẩm bằng nylon được sử dụng rất phổ biến nhưng được tạo ra từ nguyên liệu khó phân hủy.
Cụ thể hóa ý tưởng trên, cô Lan Hương và hai học sinh lớp 12C gồm: Đinh Thùy Linh và Vũ Thu Hằng đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng tự phân hủy.
Theo đó, chè xanh và nước vo gạo là hai nguyên liệu chính được nhóm thử nghiệm làm môi trường nuôi cấy, giúp vi sinh vật sản sinh ra màng cellulose vi khuẩn. Đây là cơ sở để chế tạo ra vật liệu đa năng thân thiện với môi trường.
Theo cô Lan Hương, nghiên cứu thực chất chỉ đơn giản là một ứng dụng kiến thức vi sinh trong chương trình sinh học phổ thông. Tuy nhiên, kết quả đạt được là rất tích cực, khi màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng cản khuẩn, tự phân hủy sau quá trình sử dụng.
Quá trình sản xuất màng bọc thực phẩm sinh học cũng rất sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường, không sinh ra chất độc hại. “Khi dùng để bao bọc thực phẩm, màng bọc có khả năng tự phân hủy này có thể làm tăng thời gian bảo quản thực phẩm, đặc biệt là an toàn cho sức khỏe do có nguồn gốc tự nhiên. Thậm chí có thể ăn được” – cô Hương chia sẻ.
Đóng góp lớn vào thành công của nghiên cứu là hai nữ sinh Đinh Thùy Linh và Vũ Thu Hằng. Hai cô học trò đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng rất đam mê nghiên cứu, sáng tạo.
Cùng với cô Lan Hương, Linh và Hằng đã dành nhiều tháng trên phòng thí nghiệm của nhà trường, tìm kiếm, thử nghiệm hàng chục nguyên liệu khác nhau trước khi thành công với chè xanh và nước vo gạo.
Nỗ lực của cô trò trường THPT Kim Anh đã được ghi nhận xứng đáng, khi màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng tự phân hủy đã vượt qua 500 sản phẩm sáng tạo.
Đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành giải đặc biệt cho đề tài xuất sắc nhất về tính ứng dụng tại Cuộc thi phát minh sáng chế quốc tế INOVA 2019 do Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA) tổ chức mới đây tại Croatia.
Dù mới chỉ là nghiên cứu bước đầu, tuy nhiên, màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng tự phân hủy đã cho thấy tính đổi mới, ứng dụng thực tiễn cao, đặc biệt là có khả năng thương mại hóa và gần gũi với môi trường. Nghiên cứu cũng mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.