Công nghệ xanh là cơ hội lớn cho ngành nhựa, bao bì Việt Nam
Sản phẩm của một doanh nghiệp Trung Quốc bán giá 50 USD không ai mua, nhưng sau khi doanh nghiệp này đầu tư làm chiếc hộp đẹp mắt và bán giá 500 USD thì khách tranh nhau mua.
Công nghệ ‘xanh’ là cơ hội lớn cho ngành nhựa, bao bì Việt Nam
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong dẫn ví dụ để chứng minh tầm quan trọng của bao bì, mẫu mã sản phẩm hàng hóa.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, năm ngoái, hộp bánh trung thu của một khách sạn 5 sao có tiếng ở Hà Nội bán giá tiền triệu vẫn rất đắt khách nhờ lối thiết kế độc đáo.
Hộp bánh được thiết kế nhiều màu sắc theo lối “cổ trang”, trông như hộp đựng nữ trang khiến khách hàng sau khi ăn bánh muốn giữ chiếc hộp lại để đặt ở bàn trang điểm.
Các doanh nghiệp (DN) đã ngày càng quan tâm đến thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm để gây ấn tượng cho khách hàng. Điều này đã tạo cơ hội cho ngành nhựa, bao bì, in ấn của Việt Nam phát triển.
1. Sức ép nhiều, cạnh tranh ngày một lớn
Trong 10 năm qua, ngành nhựa Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 15 – 20%/năm. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) được triển khai sẽ mở ra cơ hội cho các DN nhựa đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là nhu cầu về bao bì nhựa.
Tại Hội thảo “Ngành công nghiệp nhựa – in ấn – đóng gói Việt Nam: Cơ hội lớn từ Cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra ngày 24/4, các chuyên gia cho biết: Do chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn so với Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, cộng với nhu cầu bao bì ngành ăn uống – thực phẩm tăng nhanh nên các tập đoàn nước ngoài, nhất là Trung Quốc, đã và đang tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng loạt thương hiệu nhựa nổi tiếng của Việt Nam dần rơi vào tay các DN Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thị phần của các DN nội ngày càng bị thu hẹp, nhất là những DN còn hạn chế về tài chính, thiết kế mẫu mã và đổi mới công nghệ, trong khi mặt bằng giá nhân công đang tăng lên.
“Do đó, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam phải cạnh tranh với DN nước ngoài, bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu thế trong cuộc chạy đua kỹ thuật, máy móc công nghệ cao.
Các DN FDI trong lĩnh vực bao bì có nhiều lợi thế hơn DN trong nước. Máy móc công nghệ của họ hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín từ A – Z, tự động hóa nên chi phí thấp và năng suất cao”, TS Nguyễn Minh Phong cho hay.
Chẳng hạn, các loại bao bì đòi hỏi chất lượng cao hiện nay trong lĩnh vực đóng gói thực phẩm thì thị phần vẫn tập trung vào các công ty FDI như Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)…
Thị trường in bao bì cũng thu hút sự quan tâm đầu tư trực tiếp hoặc mua bán, sáp nhập của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, sản lượng bao bì sẽ tăng bình quân 20%/năm. Ước tính tăng trưởng thời kì 2015 – 2020: thực phẩm đóng gói tăng 38%, trong đó thịt và chế biến hải sản tăng 58%, thức ăn trẻ em tăng 76%.
“Khách hàng hiện nay có xu hướng không chỉ yêu cầu mẫu mã đẹp, bảo quản tốt mà bao bì còn phải chứa đựng thông tin hướng dẫn, quảng bá thương hiệu.
Đây là áp lực đối với các DN Việt Nam”, TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư kí Hiệp hội In Hà Nội cho hay.
Chính những áp lực trên buộc các DN trong nước trong lĩnh vực in ấn bao bì, nhựa phải thay đổi và đầu tư nhiều hơn để cạnh tranh với DN nước ngoài.
2. Công nghệ nhựa và bao bì sẽ “xanh” hơn
Cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn 5 năm tới, ngành nhựa và bao bì sẽ ngày càng phát triển cả về quy mô và công nghệ.
Đặc biệt, công nghệ “bao bì xanh” giúp tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải sẽ lên ngôi, gắn với xu hướng thay đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu sang xanh” và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường sống.
Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ trái đất, ngành nhựa và bao bì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nếu không có sự thay đổi thì rất khó nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và xã hội.
Thực tế hiện nay, nhiều nhãn hàng đã thay thế bao bì, vỏ nhựa bằng những loại vật liệu thân thiện môi trường hơn như giấy, màng sinh học hay bột gạo/ngô…
Đây được coi là xu hướng văn minh và cũng mở ra cơ hội cho các DN chế tạo các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường.
Bên cạnh việc cải tiến công nghệ và dây chuyền hiện đại thì các DN trong nước cũng cần chạy theo nhu cầu thị trường.
Thay vì dùng sản phẩm với bao bì dùng một lần thì người tiêu dùng hiện nay thích chọn mua sản phẩm với bao bì đa tiện ích, chất lượng cao để bảo quản thực phẩm hoặc tái sử dụng mà hiện nay rất ít DN Việt Nam sản xuất được.
“DN cần đầu tư chiều sâu, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống chất lượng quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000… nhằm cam kết về chất lượng và có đủ điều kiện xuất khẩu.
Những chứng chỉ được thừa nhận giúp DN quảng bá thương hiệu. Rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu là thách thức để DN hoàn thiện hệ thống quản lý, đầu tư công nghệ và khẳng định vị thế cạnh tranh”, ông Bùi Doãn Nề cho hay.