Từ chối túi nilon để giữ cho biển đẹp
Từ chối túi nilon để giữ cho biển đẹp, nếu không sẽ quá muộn bởi hiện nay nhiều vùng biển đã ngập rác.
Đi dọc Việt Nam, rất nhiều bãi biển đẹp, nhưng có lẽ biển ở Phú Yên là đẹp nhất. Đứng trên ngọn hải đăng ở mũi Đại Lãnh, nhìn ra xung quanh, biển xanh thẳm trời bao la, gió bát ngát, đẹp không thể tả được. Một vẻ đẹp khiến con người ta phải xúc động.
Chỉ có trời, biển và gió ấy thôi mà nơi đây xứng đáng là một kỳ quan thiên nhiên. Đến một lần rồi chắc chắn còn muốn quay lại nhiều lần nữa, để trải nghiệm cái cảm giác tim run lên, không dám thở, không dám cả chụp ảnh, mắt chỉ muốn thu lấy hết vẻ đẹp ấy.
Vậy mà hôm vừa rồi, trên TV đưa tin ở cũng ở Phú Yên, huyện Sông Cầu, các bãi biển đang ngập rác thải nilon. Đến nỗi ngư dân kéo lưới lên thì rác nhiều hơn cả tôm cá. Khiếp thật! Cứ nghĩ đến một lúc nào đó, những cơn sóng rác ấy sẽ kéo đến những vùng biển đẹp như Đại Lãnh, Vũng Rô, Bãi Xép… thì còn đâu là kỳ quan thiên nhiên nữa.
Nghe tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa mãi rồi, nhưng phải đến lúc nhìn thấy vùng biển đẹp mà mình yêu có nguy cơ bị đe dọa bởi rác, mới thấy thực sự đau xót. Và mới giật mình vì lâu nay cái thói quen sử dụng túi nilon bừa bãi tới mức lạm dụng của chúng ta đang là mối nguy hại cho môi trường.
Từ việc mua mấy quả cà, mớ rau, mấy củ hành khô đến thịt, cá, rồi đồ ăn sẵn… tất cả đều đựng trong túi nilon. Từ người bán đến người mua đều vui vẻ vì cái sự tiện lợi và sạch sẽ. Rồi về nhà cũng vậy, túi đựng rác cũng bằng nilon, túi đựng cơm thừa, cọng rau đến dầu mỡ thừa… cũng nilon. Trong một cái túi rác có tới vài lần túi nilon như vậy.
Chỉ cần gọn nhà mình là xong, vứt ra thùng rác là hết trách nhiệm. Còn rác ấy đi đâu, những cái túi nilon ấy xử lý thế nào là việc của người khác, không phải của mình.
Nói thì dễ, nhưng thay đổi một thói quen thật là khó. Chỉ đến khi nào một thói quen tốt được hình thành thì may ra mới bỏ được thói quen dùng túi nilon.
Hôm vừa rồi, vào hàng mua đồ, trước tôi là một người nước ngoài, mua sữa và bánh, trả tiền xong ông cầm đồ đi ra. Tôi hỏi bác bán hàng sao không đưa túi cho họ, bác bảo ông ấy mua hàng ở đây lâu rồi nhưng không bao giờ lấy túi.
Một việc nhỏ ấy thôi, nhưng chúng ta cần phải học tập. Hãy từ chối dùng túi nilon để giữ lấy những vùng biển đẹp.