Xuất Khẩu Túi Vải Không Dệt Sang Thị Trường Nhật
Xuất Khẩu Túi Vải Không Dệt Sang Thị Trường Nhật
Nhật Bản hiện được đánh giá là thị trường rất tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam. Nằm trong chiến lược phát triển các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, vải không dệt được nhận định là cơ hội lớn cho các DN mở rộng hơn nữa cánh cửa xuất khẩu vào thị trường “khó tính” này.
Không giống loại vải thông thường, vải không dệt không được tạo ra do sự đan kết giữa hệ sợi dọc và sợi ngang trên máy dệt thôi hay một hệ sợi như trên máy dệt kim. Nguyên liệu ban đầu tạo ra vải không dệt là xơ tự nhiên và cũng qua các công đoạn chuẩn bị, tạo màng xơ, đệm xơ. Không qua giai đoạn dệt, đệm xơ được liên kết ngay bằng chất liên kết hóa học (chất dính) hoặc bằng phương pháp cơ học (ép nóng). Phương pháp này cho phép sử dụng nguyên liệu có phạm vi lớn cả về chủng loại và kích thước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vải không dệt là loại vải dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Đây là sản phẩm mang tính đổi mới, vượt trội hơn hẳn so với các loại vải thường và các chất liệu khác về độ bền, tính đàn hồi, tính thẩm mỹ và khả năng chống thấm, chịu nhiệt…Vải không dệt hiện được ứng dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp khác nhau như y tế, dùng làm mặt nạ, chăn chống khuẩn…; trong xây dựng, dùng để sản xuất tấm chống ẩm, cách âm…; trong đời sống hàng ngày, vải không dệt được dùng làm nguyên liệu chần chăn, đệm, quần áo bảo hộ lao động …
Với nhiều đặc tính hữu dụng, sản phẩm vải không dệt theo nhận định của ông Fumio Koyama – Cố vấn cao cấp Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), “đã trở thành mặt hàng rất được ưa chuộng trên thế giới và Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn cả”. Theo số liệu thống kê, mức tiêu thụ vải không dệt của Nhật Bản năm 2009 đạt 338.480 tấn, trong đó sản phẩm được dùng trong lĩnh vực y tế chiếm 26,7%, đồ dùng gia dụng 18,5%, xây dựng dân dụng 8,7%…Và phần lớn các sản phẩm này được Nhật Bản nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đáng mừng là hầu hết sản phẩm vải không dệt của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản được miễn thuế theo Hiệp định Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản.
Mặc dù có cơ hội lớn nhưng các DN Việt Nam cũng phải rất lưu ý đến chất lượng sản phẩm. Bởi, Nhật Bản là thị trường “khó tính” không kém so với thị trường EU. Hơn nữa, DN còn phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Fumio Koyama cũng cho biết “Trung Quốc hiện nay đang mất dần lợi thế do giá nhân công trong nước tăng cao, đồng nhân dân tệ lên giá. Sản phẩm “made in china” không còn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Nhật Bản nữa. Rất nhiều DN đã chuyển hướng kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam”.
Đặc tính ưu việt kết hợp với những điều kiện thuận lợi về thuế, tâm lý tin dùng…vải không dệt là cơ hội lớn cho các Doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu vào Nhật Bản.
Kỹ sư vật liệu với gần 10 năm kinh nghiệm trong ngành nhựa và bao bì đóng gói. Hiện tại, tôi đang đảm nhận vai trò kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật mới và đào tạo nhân viên tại Phú An PE. Đồng thời phụ trách các thông tin, kiến thức chuyên môn tại website Phuanpe.com.